Danh sách 20 hạng mục phổ biến nhất trong ngân sách tài chính gia đình

 Nếu bạn đang tìm hiểu cách lập ngân sách tài chính gia đình, đây là bài viết giúp bạn có được những định hướng để xây dựng kế hoạch hiệu quả hơn.

Trong một số trường hợp, mức thu nhập tăng lên không đồng nghĩa với việc được tự do về mặt tài chính. Nhiều người kiếm được nhiều tiền hơn nhưng khoản tiết kiệm lại không hề tăng lên. Họ không kiểm soát được số tiền chi ra, mất năng lực tự chủ tài chính, gây ra những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. 

Lập ngân sách là một trong những phương án tuyệt vời nhất để giới hạn hành vi chi tiêu, sống thoải mái trong số tiền mình có và đạt được những mục tiêu tài chính trong tương lai. 

Có lẽ bạn đã thực hành lập ngân sách cho cá nhân và gia đình, bằng cách giới hạn chi tiêu nhu cầu về thực phẩm, tiền thuê nhà, điện thoại hằng tháng. Bạn cũng chủ động tiết kiệm 10% - 50% mỗi khi có thu nhập.

Tuy nhiên, chính những khoản phải chi nhỏ, không được thống kê lại là nguyên nhân chính khiến khoản tiết kiệm không chạm đến kỳ vọng. 

Một số mục trong 20 mục ngân sách này có thể không áp dụng cho bạn, nhưng chúng là tất cả những thứ thường bị bỏ qua bởi đa số những người đang lập ngân sách hiện nay.

1. Chi phí thuê nhà - thế chấp 

Chi phí cố định đầu tiên và lớn nhất cần được xem xét khi lập ngân sách chính là tiền thuê nhà hoặc thanh toán các khoản vay thế chấp. Khoản chi này có thể chiếm từ 30% - 50% tổng thu nhập của gia đình nếu bạn phải đi thuê hoặc mua nhà trả góp.

Một cuộc chiến lớn và kéo dài. Thậm chí, nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, xung đột vì khoản tiền này.

Hãy chắc chắn rằng, bạn đã có kế hoạch phân bổ thu nhập và nguồn tiền dự trữ khi xảy ra bất trắc để trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt liên quan khác như nước, điện, và điều hòa không khí.

2. Thực phẩm và tạp hóa

Thực phẩm có thể là một chi phí khá lớn nếu bạn không biết cách tiết kiệm. Một số trường hợp thường xuyên phải ăn uống bên ngoài, đi cafe cùng bạn bè, các buổi liên hoan triền miên, cơn thèm đồ ăn vặt khiến túi tiền ngày càng “nhẹ" đi. Đừng rơi vào những cám dỗ này!

Thay vào đó, hãy giới hạn ngân sách ăn uống bên ngoài bằng một con số cố định. Nếu đã tiêu hết, bạn buộc phải nấu ăn tại nhà, mang thực phẩm đến nơi làm việc hoặc thay thế đồ ăn vặt bằng các thói quen lành mạnh khác. 

3. Việc ngẫu nhiên hàng ngày

Nhiều người không kiểm soát hết các khoản chi tiêu nhỏ hằng ngày không có tên. Như uống nước ngọt, tập thể thao, uống cafe sau bữa trưa, phí gửi xe tại các địa điểm trả phí, đóng góp khoản tiền nhỏ cho quỹ từ thiện, ….

Tuy nhiên, những chi phí này có thể trở thành con số đáng lưu tâm nếu tính tổng chúng theo suốt một năm. Hãy thử theo dõi và đưa chúng vào ngân sách để quản lý hiệu quả. 

 

4. Chi phí bất thường và quỹ khẩn cấp

Việc lập ngân sách cho các chi phí bất ngờ sẽ rất khó khăn. Bạn không biết trước chuyện gì sẽ đến? Khi nào chúng xảy ra? Cần phòng bị điều gì? Vì vậy, nên sẵn sàng dành một số tiền để sẵn sàng ứng biến cho điều này. 

Nếu bạn dự phòng về một chi phí sắp xảy ra (chẳng hạn như một đám cưới, sinh con), bạn sẽ không bị bất ngờ về nó. Chi phí bất thường ở đây có thể là tai nạn, thất nghiệp, mất tài sản, sửa chữa nhà cửa,...

Nếu không có ngân sách dự phòng, bạn có thể gặp căng thẳng nặng nề khi phải đối mặt với chúng. 

Xem chi tiết: Hướng dẫn xây dựng quỹ khẩn cấp nhanh chóng và dễ thực hiện 

5. Chi phí bảo dưỡng trong gia đình

Bảo dưỡng, sửa chữa đồ dùng gia đình là một chi phí sinh hoạt không thể tránh khỏi. Nếu bạn thuê người dọn dẹp căn hộ của mình mỗi tháng một lần, đưa xe đi thay dầu, gia cố lại ban công,...

Hãy chắc chắn các khoản phí này đã nằm trong ngân sách hàng tháng. Chúng có thể là những khoản không lớn, nhưng đều ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách tổng của gia đình. 

6. Chi phí cho thời trang

Nơi làm việc của bạn có yêu cầu gì về thời trang hay không? Nhu cầu về quần áo hàng ngày của bạn như thế nào?

Sau khi xác định được nhu cầu của bản thân, bạn cần lập ngân sách cho việc chi tiêu mua sắm thời trang cũng như chi phí phục vụ cho nhu cầu giặt là, sửa chữa quần áo, giày dép. 

Mỗi dịp nghỉ lễ, du lịch, sự kiện đặc biệt trong năm đều sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ đối với những người yêu thích thời trang, làm đẹp.

Trước khi quyết định chi tiêu quá tay, hãy đảm bảo mọi khoản đã nằm trong dự tính trước đó hoặc có phương án bù đắp sau này. 

 

7. Đăng ký dịch vụ & dữ liệu

Đăng ký sử dụng các dịch vụ trả phí như điện thoại trả sau, truyền hình cáp, xem phim trực tuyến, internet, chơi game, đọc báo,... thường bị bỏ qua trong ngân sách gia đình. Một số dịch vụ chỉ tốn 10.000đ/ngày.

Nhưng những dịch vụ này thường kéo dài tối thiểu 1 tháng, trung bình từ 6 tháng đến một năm, sẽ phải chi một khoản không nhỏ nếu cộng dồn tất cả. 

Trung bình hàng tháng, bạn thậm chí bỏ ra cả triệu đồng cho những tiện ích này. Vì vậy, hãy tổng hợp lại tất cả các dịch vụ đang đăng ký, đưa chúng vào trong một hạng mục ngân sách cụ thể và tìm cách cắt giảm nếu cần thiết. 

8. Nhu cầu tiếp khách

Bạn thường xuyên phải mời đối tác, bạn bè, đồng nghiệp ăn trưa, uống nước ở bên ngoài? Bạn cũng có những khách mời đến chơi tại gia từ gia đình, người thân mỗi dịp nghỉ lễ?

Nếu vậy, chắc chắn những chi phí sinh hoạt hàng ngày sẽ không đủ bù đắp cho những trường hợp kể trên. 

Chi phí ăn uống, di chuyển, giải trí chắc chắn sẽ tăng lên. Vì vậy, cũng nên dành cố định một khoản mỗi tháng để phục vụ điều này, ngay cả trong những tháng không có bất kỳ vị khách nào ghé thăm. 

 

9. Chi phí di chuyển

Bên cạnh vấn đề đi làm hàng ngày, bạn sẽ cần thêm vào ngân sách di chuyển những hạng mục như về quê, thuê xe dịp lễ tết, ra vùng ven đô cuối tuần. Địa điểm làm việc, nơi ở, phương tiện, tần suất đi lại, số lượng người có nhu cầu di chuyển là những yếu tố ảnh hưởng đến ngân sách di chuyển.

10. Thẻ thành viên

Bạn có thể sẽ phải trả phí hàng tháng nếu là thành viên của phòng tập gym, câu lạc bộ doanh nhân,... Hãy chắc chắn khoản chi phí này nằm trong ngân sách. 

Nếu là thành viên phòng tập gym, bạn cần theo dõi tần suất tham gia hàng tuần, hàng tháng. Sau đó làm một phép chia để biết được chi phí thực sự của mỗi buổi tập.

Một số trường hợp, đăng ký tập luyện và đóng tiền trong một năm. Tuy nhiên, chỉ theo được 30 ngày. Điều này gây lãng phí một khoản tiền không nhỏ, ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính khác. 

11. Chi phí y tế

Rất khó để dự đoán chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe vì bạn không bao giờ biết khi nào mình sẽ mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng nên dành ra một khoản tiền để chuẩn bị các trường hợp sức khỏe thường gặp như cảm cúm, đau đầu, trầy xước, thăm khám định kỳ.

Để chắc chắn và được bảo vệ toàn diện hơn, bạn có thể cân nhắc tham gia các gói bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho gia đình.

12. Chăm sóc thú cưng

Thú cưng mang lại rất nhiều niềm vui. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng cũng tiêu tốn khá nhiều tiền nếu được chăm sóc đúng cách. Lập kế hoạch cho chi phí chăm sóc thú cưng như thực phẩm, tiêm phòng, kiểm tra sức khỏe, làm đẹp và đồ dùng khác dành riêng cho chúng. 

13. Phí tài khoản ngân hàng

Các ngân hàng sẽ tính phí cho các dịch vụ của họ, bao gồm chuyển khoản, duy trì tài khoản,…. Mỗi lần thu phí sẽ chỉ mất một khoản tiền nhỏ, tuy nhiên, nếu là người thường xuyên giao dịch với ngân hàng, con số cộng dồn sẽ là một khoản đáng kể.

Do đó, hãy tính đến các chi phí này trong ngân sách của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng đang hỗ trợ mức phí thấp hoặc miễn phí

14. Chi phí gửi xe

Gửi xe là một chi phí khác mà rất nhiều người dễ dàng không tính đến. Phí dừng đỗ, gửi xe tại các thành phố lớn vô cùng đắt đỏ. Phí này thậm chí được tính theo giờ ở các khu vực trung tâm. Trung bình từ 30.000đ - 50.000đ cho một chiếc ô tô mỗi lần gửi.

Người sở hữu tối thiểu phải chi trả gấp đôi con số trên hàng ngày, do gửi xe tại nơi làm việc và chỗ ở. Chưa tính đến số lần đi ăn bên ngoài, uống cafe, du lịch, chơi thể thao, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, giải trí... Do đó, tổng chi phí gửi xe hàng năm dễ dàng lên đến con số chục triệu.

15. Phí đăng ký xe

Hầu hết mọi người tính ngân sách hàng tháng cho chi phí xăng dầu, nhưng mọi người thường quên ngân sách cho chi phí đăng ký xe. 

Nếu mua một chiếc xe ô tô mới, bạn cần tính đến phí trước bạ, phí ra biển, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm. Một số khoản chỉ thu một lần, một số khoản khác lại thu thường niên hoặc theo quy định. 

16. Nhu cầu giải trí

Giải trí cũng là nhu cầu chính đáng không thể bỏ qua khi thiết lập ngân sách. Khi kinh tế eo hẹp, bạn có thể chi 5% - 10% thu nhập cho vấn đề này. Đi công viên, dạo phố đi bộ, thăm quan các di tích, bảo tàng, chơi thể thao, đọc sách, học nấu ăn... là những phương án tiết kiệm có thể áp dụng. 

Nếu không sử dụng toàn bộ ngân sách cho vấn đề giải trí mỗi tháng, bạn sẽ có thể chuyển phần còn lại sang tiết kiệm, hoặc tích lũy để phục vụ cho những nhu cầu lớn hơn tiếp theo. 

17. Sinh nhật

Ngay cả khi bạn không muốn tổ chức một bữa tiệc lớn cho sinh nhật của mình hoặc người thân, nhưng bạn cũng nên chuẩn bị một chiếc bánh kem, nấu ăn tại nhà, tự thưởng một ngày nghỉ ngơi thư giãn, mua món đồ ao ước bấy lâu,... là những cách đơn giản nhưng đầy ý nghĩa bạn có thể làm trong ngày kỷ niệm của chính mình hoặc người thân. 

18. Quà tặng ngày lễ

Việc trao cho người thân, bạn bè những món quà vào các ngày lễ có thể là một gánh nặng về tài chính, nếu không có sự chuẩn bị trước. Tuy nhiên, nếu thiết lập ngân sách cho khoản chi phí này từ trước, mọi chuyện sẽ vô cùng dễ dàng. 

Dự tính số tiền cần chi cho quà tặng tiếp theo. Chia cho thời gian còn lại trước khi đến ngày tặng quà. Đó chính là số tiền mà bạn sẽ phải dành ra mỗi tháng cho vấn đề này.

Dẫu vậy, đôi khi những kỷ niệm còn đáng giá hơn nhiều so với một món quà đắt tiền.

Những vật dụng tự làm thủ công, món ăn bạn đích thân chế biến, món đồ cũ được tái chế, video hài hước đầy kỷ niệm, sự hiện diện của bạn trong những thời điểm quan trọng có giá trị hơn nhiều so với quà tặng vật chất. 

19. Đóng góp từ thiện

Quyên góp cho một tổ chức từ thiện là một khoản chi phí xứng đáng, và đó là danh mục bạn nên tính đến khi lập kế hoạch ngân sách.

Hãy dự tính khoản đóng góp mà bạn muốn tiến hành hàng tháng hoặc hàng năm cho các tổ chức từ thiện yêu thích, tin tưởng.

Có thể bắt đầu với 100.000đ mỗi lần hoặc 200.000đ mỗi tháng tùy vào năng lực và nhu cầu. Dịch Covid-19 vừa rồi là một ví dụ, chỉ với 20.000đ qua tin nhắn điện thoại, bạn đã góp phần hỗ trợ Chính phủ chung tay chống dịch. 

20. Phí công đoàn

Có thể bạn sẽ không chú ý nhiều đến khoản ngân sách này khi là thành viên của một đơn vị tổ chức doanh nghiệp. Quỹ công đoàn được trích từ tiền lương của mỗi người hàng tháng dùng cho các dịp sinh nhật, liên hoan, hiếu hỉ, thăm nom.

Bạn nên đưa chúng vào trong ngân sách hoặc trừ luôn vào thu nhập.

Tìm kiếm dịch vụ tư vấn tài chính

Một số người đã tìm kiếm sự hỗ trợ của cố vấn tài chính khi gặp khó khăn trong tìm hiểu các vấn đề tài chính. Điều này giúp bạn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, đưa ra các quyết định đúng đắn về tiền bạc. Những tư vấn này có thể trải rộng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đầu tư, bảo hiểm, vay nợ hay hưu trí, thừa kế, hôn nhân.  

Hiện nay, khách hàng có thể đăng ký dịch tư vấn tài chính qua ứng dụng ProNexus - nền tảng kết nối cố vấn tài chính với người dùng có nhu cầu. 

Mọi cố vấn khi đăng ký trên ProNexus đều được lựa chọn theo những tiêu chí rõ ràng, cam kết chỉ hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng. Ứng dụng  phát hành miễn phí trên nền tảng iOS và Android.

Nguon https://pronexus.com.vn/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét